Tết Nguyên đán 2011, nhận được một hộp quà từ nhân viên công ty Sài Gòn Food. Khui hộp ra thấy hơn mười bịch cháo tươi, đang loay hoay không biết dùng sản phẩm này như thế nào, thì bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc công ty, gọi điện tới: Em nhận được quà tết chị gửi chưa. Cháo tươi là sản phẩm mới, tung ra dịp tết này của bên chị đó, em dùng thử rồi góp ý cho chị nhé!
Quả thật, lần đầu tiên ăn cháo tươi, cách sử dụng khá đơn giản là cho vào nước ấm chừng mấy phút là có thể sử dụng được, tiện lợi vô cùng, thành phần có đầy đủ chất dinh dưỡng. Ăn thấy ngon, tôi gọi điện chúc mừng bà Lâm, gợi ý bà đẩy mạnh phát triển sản phẩm này, vì nó khá phù hợp cho trẻ nhỏ và người già khi cha mẹ, người lớn bận bịu công việc. Và đến nay, sau hơn sáu năm có mặt trên thị trường, cháo tươi thương hiệu Sài Gòn Food đã có mặt trên khắp các quầy kệ mọi siêu thị tới cửa hàng tiện lợi như: Coop.mart, Big C, Aeon Mall, Lotte Mart, Cirlce K, FamilyMart, 7-Eleven…
Ý Tưởng phát triển sản phẩm Cháo tươi Sài Gòn Food
Nói về ý tưởng phát triển sản phẩm này, bà Lê Thị Thanh Lâm lúc nào cũng trong tâm trạng hứng thú, say sưa: cháo tươi được chúng tôi “thai nghén” từ năm 2007, nhưng vì những trở ngại về công nghệ nên phải tới năm 2010 – 2011, khi một đối tác Nhật Bản đặt hàng sản xuất thịt cá hồi tươi mới làm được. Lúc đó, Sài Gòn Food nhận làm gia công cá hồi tươi, đối tác Nhật đưa công nghệ đóng bao, hút chân không cho công ty làm. Sau thời gian làm tốt, phía Nhật tin tưởng, Sài Gòn Food đặt vấn đề với họ chuyển giao công nghệ này làm cháo tươi. Vậy là họ giúp.
Theo bà Lâm, cái khó nhất để bảo quản cháo tươi là phải có công nghệ bao bì, đối tác Nhật đã chuyển giao cho công ty công nghệ bao bì bốn lớp nhôm (công nghệ retort – nấu trên bao bì). Công nghệ này, đầu tiên xuất phát từ Mỹ. Các doanh nghiệp thực phẩm của Mỹ đã sử dụng bao bì bốn lớp nhôm hút chân không để bảo quản thực phẩm phục vụ phi hành gia. Thời điểm đó, Việt Nam chưa làm được màng nhôm, nên công ty phải mua lại của một doanh nghiệp Nhật Bản. Họ nhập nguyên liệu về rồi sản xuất bao bì bán lại cho công ty.
“Nếu nói đến cháo đóng gói, người tiêu dùng dễ liên tưởng đến việc nhà sản xuất nấu chín cháo rồi chiết rót vào bao bì, như vậy thì không tránh khỏi việc dùng chất bảo quản để giữ độ tươi lâu. Nhưng nhờ áp dụng thành công công nghệ bao bì đa lớp dùng để bảo quản thực phẩm cho phi hành gia, nên Sài Gòn Food đã “đảo ngược” quy trình chế biến: cho nguyên liệu tươi sống vào bao trước, ép bao hút chân không rồi mới đem cả gói cháo đi nấu chín, nhờ bao bì có khả năng chịu nhiệt cao nên gói cháo vẫn nguyên vẹn và sản phẩm bên trong vẫn giữ nguyên chất dinh dưỡng”, bà Lâm giới thiệu.
Bằng công nghệ đặc biệt này, sau hai năm miệt mài thử mẫu “ăn ngủ cùng cháo”, Sài Gòn Food đã cho ra đời những gói cháo tươi đầu tiên có thời hạn sử dụng đến 9 – 12 tháng mà không dùng chất bảo quản. Đến nay, Sài Gòn Food đã phát triển ba dòng cháo tươi theo công nghệ hút chân không dành cho mọi lứa tuổi, thoả mãn nhu cầu của người tiêu dùng về chất lượng và giá cả.
Thành lập năm 2003, Sài Gòn Food tiền thân là S.G Fisco, ban đầu chuyên kinh doanh các mặt hàng thuỷ hải sản đông lạnh và các loại thực phẩm đông lạnh chế biến sẵn. Tại thị trường nội địa, Sài Gòn Food được biết đến với các dòng sản phẩm chủ lực: lẩu đông lạnh và các dòng thực phẩm tiện lợi khác. Năm 2011, công ty đổi tên từ S.G Fisco sang Sài Gòn Food. Và như bà Lâm chia sẻ, Sài Gòn Food có được chỗ đứng trên thị trường như hiện nay là nhờ vào triết lý “sáng tạo là không dừng lại”. Trung bình mỗi năm, cũng nhờ triết lý này, Sài Gòn Food cho ra đời khá nhiều sản phẩm, nhẩm tính có tới 120 loại đang có mặt trên thị trường.
“Năm năm đầu, phòng nghiên cứu chiến lược sản phẩm mới có bốn người, biên chế chung với phòng kỹ thuật. Sau mười năm, số nhân viên được nâng lên 15 người, đến 2018 tách ra làm hai phòng với 25 nhân sự. Một phòng chuyên nghiên cứu sản phẩm đông lạnh và cháo tươi, phòng còn lại chỉ lo phụ trách bữa ăn tươi cho người dùng…”, bà Lâm tiết lộ, đồng thời cho hay: cách duy nhất để duy trì năng lực cạnh tranh là liên tục nghiên cứu đưa ra những sản phẩm mới. Thực phẩm thì phải thay đổi, ăn hoài một món người ta rất ngán, bà đúc kết.